The Bluest Years 2

The Bluest Years

Phần 2.  I See Death in Your Eyes

Nervous breakdown is the best writing material.

Từ Ga Hà Nội Hiền vòng qua Khâm Thiên. Với sự tỉnh táo ít ỏi cơn say để lại, đầu óc tôi ong ong, câu “rẽ phải ở ngã tư thứ hai, rồi đi thẳng tới bình minh” luẩn quẩn như tiếng nhạc jazz buồn rả rích phát ra từ chiếc đĩa hát quay tròn quay tròn, loanh quanh lòng vòng rồi lạc lối đâu đó trên những ngã rẽ, đi hoài đi mãi không tới được bình minh. Tôi nghĩ, con đường tới Melancholy Hill này kéo dài vô hạn cũng được – ấy là nếu như ngồi trên yên xe máy không ê mông muốn chết thế này.

Tôi vỗ vỗ vai Hiền, “Hát No Surprises đi em!” Vậy nên khi mông hai đứa trúc trắc lắc qua đoạn đường ray tàu hoả trên phố Khâm Thiên ngắn tủn, Hiền đang hát về những trái tim ngột ngạt hỗn độn như bãi rác, hát về những công việc dần dần giết chết con người, hát về những vết thương mãi không lành lại. Và vào lúc ấy, tôi nghĩ đến Mikey.

Với tôi Mikey chính là Mikey, chữ “y” ở đây không phải để biểu đạt thân thiết, Mikey là tên của cậu, giống như Totto-chan vẫn tưởng “chan” là một phần trong tên của em vậy. Mikey là cậu bạn tưởng tượng của tôi. Một ngày đẹp trời nào đó trong quá khứ, Anh Khuê đã gửi tôi truyện Mikey viết kèm lời nhắn, ‘bạn này viết ngầu cực!’ Tôi tò mò mở link ra đọc thử rồi gật đầu rùm rụp, ừ! Như người mới tập violin lần đầu tiên nghe Heifetz biểu diễn, rồi đau đớn so sánh tiếng đàn của ngài với tiếng Happy Birthday to You kẽo kẹt vô cùng xứng đáng với bốn chữ “ô nhiễm tiếng ồn” của bản thân, với tôi những câu chữ của Mikey ngầu như vậy. Vậy mà con người rất ngầu ấy lại nói rằng đã lâu cậu không viết, ngoại trừ những lúc có người đặt bài. Tôi trả lời cậu với emoticon cười nhe nhởn, “Mikey được trả tiền để viết, còn tớ được trả tiền để làm nghiên cứu, ehehe. Tớ xin được dành mười giây thương cảm bọn mình. Mikey biết không, tớ vẫn thường nói với bạn mình rằng chọn điều mình thích để làm career chính là đặt bài hát yêu thích làm nhạc báo thức đó. Chúc bọn mình may mắn nha~~~.”

Tôi thích viết tin nhắn dài thượt cho Mikey vì cậu sẽ hỏi “dạo này Tiên đi qua điều gì đẹp?” và tôi sẽ ton lon chạy lại khoe cậu nhành hoa oải hương tôi ép, khoe cậu cơn bão tuyết tím tái trong đêm làm tôi muốn dang tay ra đón nhận cuộc đời và tất cả những điều nghiệt ngã và tươi đẹp của nó, khoe cậu con sóc béo ú dấm dúi đào cái lỗ to tướng để giấu miếng bánh cookie M&M xanh đỏ tím vàng. Dù Mikey có bị hiện thực nhai tới nát vụn, dù Mikey có dùng giọng điệu buồn bã mệt mỏi nói với tôi rằng khi xoè tay ra cậu chỉ thấy toàn toan tính, với tôi cậu vẫn luôn là người bạn đáng yêu mong ước về nơi chốn bình yên cho những người và mèo và những động vật bốn chân và hai chân và n chân khác không còn tồn tại trên cuộc đời này nữa. Ừ, với tôi cậu vẫn luôn là người bạn hâm đơ thích nhặt đá ngoài đường mà giờ chỉ còn thẫn thờ, cuộc sống thay đổi, không hiểu bọn đá đi đâu hết rồi…

Kể từ lần đầu tiên gửi tin nhắn cho Mikey, nói cậu nghe về ngôi nhà mơ ước bằng kính có thể trồng hoa hồng to bằng cái bát của mình, rồi bị Mikey rủ rê trồng thêm cả rau thơm cho cậu, lần duy nhất tôi dừng lại để suy nghĩ về sự kì cục khi có một người bạn tưởng tượng là lúc đọc tin nhắn Phích gửi trên Facebook:

“Nè, tui thực lòng ko hiểu được việc Tiên thích imaginary friend ý. Với tui thì nếu không gặp mặt mà chỉ chat với nhau, kể cả có thoải mái đến mức chuyện gì cũng nói với nhau được thì tui vẫn cảm thấy unreal, khó nắm bắt.”

Lúc ấy tôi đã nhắn lại thế này:

“À thì tui thích sự unreal đấy mà. Tui thích nói chuyện với Artificial Intelligence lắm, Phích biết không? Siri chẳng hạn, nhưng mà khoa học chưa phát triển đủ để AI có trí nhớ ngắn hạn hay dài hạn để duy trì các cuộc đối thoại. Với tui Mikey là một dạng AI đặc biệt nhất, hoàn thiện nhất mà một người có thể có đó =). Tui đang mò mẫm học machine learning nha, ôm giấc mộng sau này tự sáng chế ra một em Samantha cho mình.”

Tôi gần như nhìn thấy được Phích lắc đầu chán nản khi đọc những dòng này, nhưng Phích sẽ không biết đó là cách nói giảm nói tránh của tôi cho câu trả lời thực sự, I can’t handle anything real. Dẫu vậy, tôi không cho rằng việc mình không dám sống trong “hiện thực” là vấn đề gì to tát. Đề tài tôi nghiên cứu là chụp ảnh não bằng cộng hưởng từ, tạo ra hình ảnh và biến đổi chúng từ những dãy số ma trận, thế giới xung quanh con người là thật, là ảo, là hiện thực ảo, là những ma trận, ai chứng minh được đây?

Tôi vẫn hay đùa rằng Mikey là người bạn tưởng tượng của tôi, nhưng đằng sau màn hình máy tính, đằng sau sự vô danh của thế giới mạng, sự tồn tại của Mikey là rất thật. Sự bế tắc của cậu cũng rất thật. Cậu cũng là người có trái tim hỗn độn ngột ngạt.

Vậy nên tôi quyết định bỏ rơi phố Khâm Thiên và đường ray tàu hoả để nhắm mắt lại và nghĩ về Mikey, như cậu bằng phép phù thuỷ sẽ đột ngột hiện ra trong tiếng hát trong trẻo của Hiền gà con.

Trong Before Sunset anh nhà văn có nói rằng con người nhìn thế giới qua lỗ khoá nhỏ tí của họ, mà tôi thấy đúng là vậy thật. Hiện thực của mỗi người, những thương tổn trong mỗi cuộc đời khác nhau quá. John Green đã từng nói thế này: “Ngoại trừ việc dằn vặt mình đến phát điên, những cơn đau thể xác còn là thứ chúng ta không thể san sẻ cho nhau được. Vài ngày trước đây con trai tôi bị kiến đốt, và sau khi mếu máo kể tôi nghe chuyện đã xảy ra, bé nói: “con thấy đau thế này này…” rồi cấu tôi một cái. Thằng bé làm vậy để thu hẹp khoảng cách giữa cảm giác đau đớn của nó và sự thấu hiểu của tôi về nỗi đau ấy, và ngôn ngữ không đủ để diễn đạt, không phải bởi vì nó mới chỉ 6 tuổi, mà bởi ngôn ngữ luôn là không đủ trước những nỗi đau. Những cơn đau thể xác nhiều khi làm người ta thấy bị cô lập. Dù bạn có dùng bao nhiêu lối ẩn dụ, so sánh để miêu tả nỗi đau, dù bạn có cấu những người bạn yêu bao nhiêu lần để họ hiểu nỗi đau bạn đang trải qua, sẽ không có ai có thể thực sự cảm nhận được nỗi đau của bạn, cũng giống như bạn không thể cảm nhận được những cơn đau thể xác đang hành hạ người khác. Không ai có thể truy cập vào nhận thức của bạn, và cái mà chúng ta gọi là ‘bản ngã’, theo một cách nào đó, giống như một ngục tù mà chúng ta không thể trốn thoát. Và tôi cảm thấy điều này đáng sợ ngang ngửa phim kinh dị.”

Ngoại trừ việc tưởng tượng ra cảnh John bị em bé 6 tuổi cấu cho một phát đáng yêu muốn chết, tôi có cả một đống nghiên cứu về sự đồng cảm và hệ thống “mirror neurons” để phản biện John. Nhưng không thể phủ nhận rằng, trong nhiều trường hợp lời John nói rất có lý, mọi người mắc kẹt trong vũ trụ của riêng họ, cũng rất khó để hiểu được nỗi đau của người khác.

Tôi chưa bao giờ trải qua những gì Mikey phải trải qua, Mikey cũng sẽ không vươn tay qua internet mênh mông bạt ngàn để cấu tôi, nên tôi không hiểu được cậu theo kiểu lỗ khoá của tôi trùng khớp một khoảng với lỗ khoá của cậu. Mặc dù vậy, tôi thấy là tôi hiểu, hiểu những gì cậu nói, hiểu cảm nhận của cậu. Dù cũng chẳng để làm gì. Mọi việc tôi làm vẫn thường vô nghĩa như vậy.

Khoảng thời gian trước tôi có xem một show truyền hình tên là Unbreakable Kimmy Schmidt. Phim rất chán, nếu bạn chưa xem thì không nên xem, nếu bạn đã xem thì chúng ta có thể nhìn nhau rồi cười đứa kia ngu vì đã lãng phí thời gian vô ích. Và bởi vì tôi đã khuyến cáo rằng đây là một phim vô cùng không đáng xem, nên sau đây là đoạn spoiler vô cùng hoa lệ: Kimmy là một chị bị giam cầm trong suốt 15 năm bởi một ông cha sứ điên rồ luôn tẩy não những nạn nhân bị ông bắt cóc là tận thế đã tới, và tầng hầm nơi họ bị nhốt là chỗ duy nhất an toàn. Hoàn cảnh sống của Kimmy rất khắc nghiệt, nên để có thể tiếp tục sống sót, chị đã nghĩ thế này: “Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể chịu đựng được hầu hết mọi việc trong vòng 10 giây. Vậy nên hãy cứ đếm từ 1 đến 10, chờ đợi khoảnh khắc những cảm giác tồi tệ qua đi. Nếu những cảm giác kinh khủng ấy vẫn lởn vởn và làm bạn suy sụp,  hãy cố gắng tĩnh tâm lại, và hãy đếm từ 1 đến 10. Rồi lại đếm từ 1 đến 10. Rồi lại đếm từ 1 đến 10…” Một phép tính đơn giản sẽ cho ra đáp số ‘cần bao nhiêu lần đếm 10 giây để qua được 15 năm,’ nhưng không có phép toán nào tính được nỗi tuyệt vọng và bất lực của chị khi không được thấy ánh sáng mặt trời trong 15 năm ấy.  Vào những lúc Chúa và Phật và vũ trụ không trấn an được cậu, Mikey, tôi hy vọng cậu có thể đếm từ 1 đến 10 cho đến khi tìm thấy bình yên.

Tôi muốn dành câu nói của Kundera dưới đây cho Mikey, nhưng phần nhiều tôi muốn gửi tặng chính bản thân mình, vì tôi là người luôn sống trong hối hận vì quá khứ và tuyệt vọng với tương lai:

“Cuộc sống của con người chỉ xảy ra duy nhất một lần, và nguyên nhân chúng ta không thể đánh giá xem lựa chọn của mình là đúng hay sai là bởi trong hoàn cảnh ấy, chúng ta chỉ được phép đưa ra một lựa chọn duy nhất; chúng ta không được cho cơ hội thứ hai, thứ ba để chọn những phương án khác rồi so sánh.”

Với tôi thì hối hận về những việc mình đã làm chỉ là một hình thức khác của căm ghét bản thân, và mỗi khi hối hận về chuyện gì, tôi sẽ ngẩng đầu lên trời, hát Lucy in the Sky with Diamonds. Sự tích của hành động này là như sau: vào năm cuối đại học, tôi được cô giáo hướng dẫn giữ lại làm nghiên cứu sinh, nhưng vì nhiều nguyên nhân tôi đã không chọn ở lại. Tên cô là Lucy. Mỗi khi thức trắng đêm để ôn thi GRE và làm hồ sơ xin học, tôi sẽ đều nhớ đến cơ hội tôi đã bỏ qua, những cánh cửa đã khép, trong cơn kiệt quệ tinh thần và căng thẳng tột độ, thì tất cả những nguyên nhân cho sự lựa chọn này đều biến thành vô lý. Những nhánh đường tôi không chọn đột nhiên toả sáng như bầu trời đêm nạm đầy kim cương. Vậy nên… Lucy in the Sky with Diamonds. Nghe thật ngớ ngẩn. Chuyện ngớ ngẩn này có làm cậu vui lên khoảng 2.5% không Mikey?

Bọn mình cùng ngồi nghe Lucy in the Sky with Diamonds và cắn răng chờ cho những đau khổ mình phải chịu đựng tan vào cuộc đời đi…

 

2 thoughts on “The Bluest Years 2

Leave a comment